Cụ thể, sau khi trừ chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính, đơn vị đạt 236 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 27,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 219,9 tỷ đồng, giảm so với mức 283 tỷ đồng năm ngoái.
Tính đến cuối năm 2023, Công ty mẹ đạt vốn chủ sở hữu 6.235 tỷ đồng, tăng 3,6%, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 778 tỷ đồng.
Yếu tố tích cực trong bức tranh tài chính là nợ phải trả tính đến cuối kỳ là 13.314 tỷ đồng, giảm 1.500 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Khoản mục nợ ngắn hạn tăng 1.800 tỷ đồng do tác động từ khoản người mua trả tiền trước lên tới 3.406 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi năm trước, tuy vậy đây là yếu tố tích cực khi khoản mục này trong tương lai sẽ được hiện thực hóa vào doanh thu và lợi nhuận.
Một điểm đáng lưu ý khác, ở khoản mục tiền và tương đương tiền tăng mạnh từ 961 tỷ đồng đầu kỳ lên 2.088 tỷ đồng, hàng tồn kho duy trì 2.852 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 2.419 tỷ đồng năm ngoái. Dòng tiền đầu tư và hoạt động của công ty mẹ dương 1.208 tỷ đồng trong năm càng cho thấy sức mạnh dòng tiền của Vinaconex thêm vững chắc so với con số âm của năm trước.
Cụ thể, nhờ năng lực và sự năng động tham gia thi công các gói thầu hạ tầng lớn, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vinaconex đạt 12.709 tỷ đồng, tăng 50,3% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ chi phí, Vinaconex đạt 555 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm so với 985 tỷ đồng năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 396 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ. Sở dĩ các con số lợi nhuận đi xuống có một phần lớn từ giá vốn và chi phí quản lý doanh nghiệp tại các dự án tăng cao.
Nợ phải trả giảm từ 22.068 tỷ đồng xuống 20.453 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn giảm từ 9.305 tỷ đồng xuống 6.031 tỷ đồng.
Tính đến cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tăng nhẹ, đạt 10.241 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền đạt 2.669 tỷ đồng, tăng mạnh so với 1.710 tỷ đồng năm trước. Lưu chuyển tiền thuần trong năm đạt 959 tỷ đồng, tích cực hơn so với âm 1.101 tỷ đồng năm ngoái.
Doanh thu và lợi nhuận gộp của Vinaconex đều tăng đáng kể nhờ tăng trưởng ở mảng xây dựng và bất động sản. Cụ thể, doanh thu xây dựng tăng vọt 35% so với cùng kỳ, chiếm 74% tổng doanh thu. Tuy nhiên, tỷ trọng lợi nhuận gộp đến từ mảng bất động sản lại tăng mạnh hơn nhờ kết quả bán hàng đã đóng góp hơn 60% lợi nhuận gộp.
Các mảng giáo dục và dịch vụ khác duy trì hoạt động tích cực khi đều báo cáo mức tăng trưởng lần lượt là 50% và 12% về doanh thu và 115% và 44% về lợi nhuận gộp.
Năm 2024, mảng xây dựng được dự báo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Vinaconex khi lĩnh vực hạ tầng hiện đang được Chính phủ ưu tiên đầu tư và phát triển.
Theo đó, Vinaconex đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn như Sân bay Quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam. Đây sẽ là mảng hoạt động duy trì sức mạnh dòng tiền của Tổng công ty và được kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận gộp khi giá cả nguyên vật liệu ổn định, lãi vay ngân hàng giảm mạnh.
Vinaconex đã khẳng định được năng lực thi công và tài chính để đến nay các dự án đều bứt tốc và có thể rút ngắn tiến độ thi công so với hợp đồng.
MINH TRÍ