Tiêu dùng

Năm 2021, Dabaco dự kiến doanh thu 12.100 tỷ đồng, Chủ tịch khẳng định: Lãnh đạo Masan gặp nhiều lần đề nghị hợp tác nhưng bất thành vì đối tác muốn nắm giữ hơn 60%

Chiều 15/03/2021 thông tin tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) Nguyễn Như So cho biết có nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác nhưng bất thành vì bên nào cũng muốn nắm tỷ lệ chi phối.

Theo đó, ông So phân tích, sở dĩ nhiều công ty muốn hợp tác với Dabaco có nhiều lý do, nhưng có 2 vấn đề chính là: “Các tập đoàn thường nhìn vào năng suất bởi đây là yếu tố cực kỳ quan trọng và Dabaco đang đứng đầu cả nước về năng suất nuôi lợn. Điều thứ 2 mà các tập đoàn quan tâm là bộ máy và nguồn nhân lực của Dabaco rất ổn định, có tay nghề cao.

Ông Nguyễn Như So cho biết có nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác nhưng bất thành vì bên nào cũng muốn nắm tỷ lệ chi phối.

Năm 2021, HĐQT đưa ra chỉ tiêu doanh thu kế hoạch 12.100 tỷ đồng, chưa bao gồm doanh thu nội bộ, tăng 20% so với năm trước. Hai mảng lớn nhất là thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi lợn đều chiếm tỷ trọng 38%.

Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 928 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với năm 2020. Mảng chăn nuôi lợn sẽ đóng góp lớn nhất với khoảng 46%.

Ông So cho rằng: sở dĩ lợi nhuận bị kéo xuống là do nó được xây dựng trên cơ sở thận trọng với ước tính giá lợn đạt cỡ 50.800 đồng/kg, trong khi giá thị trường đang khoảng 76.000 đồng/kg.

Trên thực tế, với việc giảm đàn và tình hình chăn nuôi của cả nước ông So cho rằng, giá lợn khó có thể thấp hơn 75.000 đồng/kg. Do vậy, lợi nhuận của Dabaco năm nay có thể cao hơn nhiều.

Hiện hệ thống Dabaco có khoảng 47.600 con lợn nái và 296.000 con lợn thịt thường xuyên. Sản lượng dự kiến cung cấp ra thị trường 71.800 tấn trong năm nay, tăng 52%. Tổng doanh thu mảng chăn nuôi lợn là 4.290 tỷ đồng, tăng gần 28%.

Hiện hệ thống Dabaco có khoảng 47.600 con lợn nái và 296.000 con lợn thịt thường xuyên.

Về mảng chăn nuôi gà hiện Dabaco đang là đơn vị sản xuất giống gà lớn nhất hiện nay của cả nước, đặc biệt là gà màu và chủ trương không làm gà trắng. Công ty hiện có 2 nhà máy tại miền Bắc và Bình Phước, dự kiến tổng công suất năm 2021 sẽ tăng từ 37 triệu con/năm lên 60 triệu con/năm (ước tính con số cả nước vào khoảng 160-170 triệu/năm).

Mảng thức ăn chăn nuôi có kế hoạch tối ưu công suất các nhà máy với chỉ tiêu sản lượng tăng 20% lên 611.000 tấn. Tập đoàn sẽ tăng công suất nhà máy mới tại Bình Phước, Nutreco Hoàn Sơn và nghiên cứu các sản phẩm mới có giá trị cao.

Về nhà máy ép dầu năm 2020, công ty bắt đầu thu lợi nhuận 55 tỷ đồng nhờ các sản phẩm chính như khô đậu, dầu nành thô, dầu ăn. Tập đoàn có kế hoạch triển khai mở rộng giai đoạn 2 cho nhà máy này, nâng tổng công suất lên 3 lần so với hiện tại. Việc mở rộng dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2022.

Với tình hình sản xuất kinh doanh như vậy nên nhiều tập đoàn lớn đã đặt vấn đề hợp tác với Dabaco. Đặc biệt có Masan, một tập đoàn lớn trong nước.

"Lãnh đạo Masan gặp tôi 2-3 lần. Không chỉ có Masan mà hiện nay có 4-5 tập đoàn muốn tham gia”, ông So cho biết.

Tuy nhiên, hiện chưa có một đối tác nào đàm phán thành công với Dabaco, lý do theo ông So là họ đều muốn nằm quyền chi phối. “Các bên chưa "đến được với nhau" bởi đối tác muốn nắm 60% cả, thậm chí nắm 80% cổ phần của Dabaco”, ông So nói và cho biết thêm.

Với mảng kinh doanh bất động sản dù được cho là trái ngành nhưng cũng ghi nhận mang lại khá ổn cho tập đoàn. Theo đó, công ty đang sở hữu hai dự án là Lotus Centre và dự án Huyền Quang đều tại Bắc Ninh, với doanh thu dự kiến lần lượt là 845 tỷ và 802 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2020, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần tăng 39% lên trên 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 359% đạt 1.400 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

MINH TRÍ