Được biết, thỏa thuận diễn ra sau thông báo ngày 13/3 rằng Donatella Versace sẽ rút lui khỏi vai trò Giám đốc sáng tạo của Versace, thương hiệu do người anh trai quá cố Gianni sáng lập.

Hãng Prada đã đạt thỏa thuận mua lại đối thủ là Versace với giá gần 1,4 tỷ USD từ Capri Holdings.
Mức giá xấp xỉ 1,38 tỷ USD Prada đưa ra thấp hơn đáng kể so với số tiền 2,15 tỷ USD (gồm nợ) mà Capri từng chi vào năm 2018 để thâu tóm thương hiệu này từ gia đình Versace và quỹ đầu tư Blackstone.
Prada đang tìm cách mở rộng quy mô sau khi vượt qua làn sóng suy giảm nhu cầu hàng xa xỉ, trong khi Versace vẫn thua lỗ. Năm ngoái, Prada Group đạt doanh thu 2024 đạt 5,4 tỷ euro (6 tỷ USD), tăng 17% nhờ thành công lớn của thương hiệu con là Miu Miu, khi doanh số tăng đến 93%.
Ngược lại, trong báo cáo tài chính gần nhất của Capri chủ sở hữu Versace, Michael Kors và Jimmy Choo, dự kiến doanh thu của Versace giảm xuống còn 810 triệu USD hiện tại, từ mức một tỷ USD vào năm 2024.
Do đó, thương vụ này giúp tăng cường vị thế của Italy trong ngành hàng xa xỉ vốn do các tập đoàn Pháp thống lĩnh. "Chúng tôi muốn tiếp nối di sản của Versace, tôn vinh và tái hiện lại thẩm mỹ táo bạo và vượt thời gian của thương hiệu", Chủ tịch Prada Patrizio Bertelli tuyên bố.
Với các thiết kế in họa tiết baroque đặc trưng, việc sở hữu Versace giúp Prada thu hút nhóm khách hàng mới, vốn thường biết đến hãng qua phong cách tối giản. "Versace có tiềm năng rất lớn. Nhưng chặng đường phía trước đòi hỏi kỷ luật trong triển khai cùng sự kiên nhẫn", CEO Prada Andrea Guerra nhận định.
Ông Bertelli, chồng của nhà thiết kế Miuccia Prada, cũng là cổ đông lớn của tập đoàn, nói sẽ mang lại cho Versace một nền tảng vững chắc, được củng cố bởi nhiều năm đầu tư liên tục và các mối quan hệ lâu dài.
Kể từ sau các thương vụ mua lại Helmut Lang và Jil Sander vào cuối những năm 1990, được Chủ tịch Bertelli thừa nhận là "những sai lầm chiến lược", Prada gần như không còn thực hiện các thương vụ lớn cho đến khi mua lại Versace.
AN NHIÊN