Các nhà thầu phụ thông báo dừng thi công, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hòa Bình đề nghị gán nợ bằng thiết bị xây dựng và bất động sản

Admin

Như chúng tôi đã thông tin, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã nợ một loạt nhà thầu phụ từ tháng 7/2022 và chưa có giải pháp thanh toán nên các nhà thầu này đã thông báo đến các chủ đầu tư của dự án mà họ thi công xin ngừng thi công từ 15/3/2023. Phản ứng trước động thái trên, ông Lê Viết Hải gửi thông báo đến các nhà thầu này xin “gán nợ” bằng thiết bị và bất động sản.

Cụ thể, vào chiều hôm qua 14/3, một thông báo được phát đi từ HBC do Chủ tịch Lê Viết Hải ký trần tình: “Thời gian qua ngành bất động sản Việt Nam đã phải đối diện với quá nhiều khó khăn, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình không thể tránh được ảnh hưởng khi phần lớn các dự án Hòa Bình tham gia đều thuộc lĩnh vực bất động sản đặc biệt là bất động sản du lịch, một ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi nguyên nhân gốc là Covid-19 và chiến tranh Nga – Ukraine.”

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC khẳng định giá trị doanh nghiệp của HBC là: Tử tế - Tiên phong - Kỷ cương - Kiên cường.

Không chỉ trình bày lý do, ông Lê Viết Hải còn không quên khẳng định giá trị doanh nghiệp của HBC là: Tử tế - Tiên phong - Kỷ cương - Kiên cường. Đây là điều ông Hải đặc biệt tự hào trong 35 năm hình thành và phát triển của HBC.

Để khẳng định sự tử tế đó, ông Hải đưa ra giải pháp với các nhà thầu phụ như sau: “Chúng tôi đề nghị Quý Công ty xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản do Hòa Bình đã nhận để cấn trừ nợ với khách hàng. Hoà Bình có một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho, thuộc sở hữu của mình, nếu quý công ty nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận với Hòa Bình để đối trừ công nợ theo giá phù hợp được hai bên thống nhất.”

Một giải pháp khả dĩ trong giai đoạn này, theo ông Hải, nhưng không biết có khả dĩ đối với các nhà thầu phụ nói trên hay không.

Bên cạnh đó, ông Hải còn nhấn mạnh thêm sự tử tế của HBC bằng cách đưa thêm giải pháp: “Hòa Bình sẵn sàng xác nhận công nợ đối với Quý Công ty để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc Quý Công ty vay vốn ngân hàng.”

Được biết, trước khi có sự cố nói trên, HBC đã xảy ra một cuộc nội chiến giữa cá nhân ông Hải và nhóm ông Nguyễn Công Phú trong việc giành chức chủ tịch HĐQT của công ty.

Trong cuộc nội chiến nói trên, nhiều chi tiết đã được bộc lộ trong đó ông Phú tiết lộ với truyền thông về tình hình tài chính của HBC như sau: “Hiện nay trong các tài khoản của Hoà Bình chỉ còn 23 tỷ đồng khả dụng. Một nơi mà một năm làm khoảng 15.000 tỷ mà chỉ còn 23 tỷ khả dụng là một chuyện kinh khủng, lúc đó HĐQT phải cùng với ban Tổng giám đốc đi kiểm định xem 23 tỷ khả dụng là như thế nào. Nghĩa là không trả được lương. Nói như thế để nói rằng, luôn hướng đến đồng thuận cao nhất có thể nhưng trong cuộc đời, có ai có đồng thuận 100% không?”

Ngoài ra, trong báo cáo tài chính hợp nhất tự lập cùa HBC, tại ngày 30/09/2022, công ty có 14.913 tỷ đồng Nợ phải trả, tăng 19% so với đầu năm. Trong số đó, chiếm hơn 89% là nợ ngắn hạn với số dư 13.332 tỷ đồng. Nợ dài hạn chiếm 11% với số dư 1.581 tỷ đồng.

Hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu của HBC đến cuối quý III đã tăng từ mức 3 lần hồi đầu năm lên gần 4 lần. Có nghĩa là, tại thời điểm báo cáo số liệu gần nhất, Hoà Bình đang kinh doanh bằng 1 đồng vốn chủ sở hữu đi kèm 4 đồng nợ. Theo đó, chi phí lãi vay của Hòa Bình trong 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng 61% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức 358 tỷ đồng, nghĩa là trung bình một ngày HBC phải trả khoảng 1,3 tỷ đồng tiền lãi.

Xem ra, với bức tranh tài chính như vậy, giải pháp mà ông Hải chủ tịch HBC đưa ra cho các nhà thầu phụ bằng phương pháp gán nợ là điều bắt buộc.

MINH TRÍ