Cụ thể, trong kỳ, PAP đạt 2,18 tỷ đồng doanh thu. Dù vậy, việc kinh doanh dưới giá vốn cùng với chi phí hoạt động khiến doanh nghiệp báo lỗ kỷ lục 23,8 tỷ đồng so với mức lỗ 1,8 tỷ của quý IV/2023.
Tính chung năm 2024, Cảng Phước An báo lỗ 17,3 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ so với năm trước đó. Đây cũng là năm kinh doanh thua lỗ thứ 4 liên tiếp của doanh nghiệp này, qua đó nâng mức lỗ luỹ kế lên 31,2 tỷ.
Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh chính âm tới 314,4 tỷ đồng trong năm 2024, nghiêm trọng hơn năm trước đó. Dòng tiền đầu tư cũng âm 143 tỷ đồng. Ngược lại, việc tăng vay nợ giúp lưu chuyển tiền thuần hoạt động tài chính dương 630,7 tỷ đồng.
Tính tới ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Cảng Phước An tăng 60,5% so với đầu năm lên mức 7.121 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tài sản cố định và tài sản dở dang dài hạn đã chiếm gần 90%.
Đáng nói, so với mức 5 tỷ đồng tài sản cố định hồi đầu năm, Cảng Phước An ghi nhận 4.059 tỷ đồng vào cuối kỳ do đã đưa phân kỳ 1 dự án Cảng Phước An vào vận hành, đồng thời bắt đầu hạch toán doanh thu từ quý IV/2024.
Được biết Cảng Phước An đang thực hiện lấy ý kiến cổ đông về việc đầu tư phân kỳ 2 của dự án Cảng Phước An. Phân kỳ này có quy mô 50,9ha, chiều dài cầu cảng 1.070m, vốn đầu tư khoảng 7.572 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ cuối năm 2024 đến năm 2026. Trước đó, theo thông tin từ chủ đầu tư, cảng Phước An dự kiến sẽ được đưa vào vận hành cuối tháng 11/2024.
Cảng Phước An nằm trên sông Thị Vải, được đánh giá là cảng lớn nhất tỉnh Đồng Nai hiện nay. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 về quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Dự án này có tổng diện tích quy hoạch là 800ha với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng, chia làm 3 phân kỳ đầu tư. Đặc biệt, cảng Phước An nằm trên tuyến luồng giao thông đường thủy được đánh giá là tốt nhất cả nước. Vị trí chiến lược của cảng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi lượng hàng container chiếm 70% và hàng tổng hợp chiếm 50% tổng lượng hàng thông quan cảng biển Việt Nam.
Do dự án gặp vướng mắc kéo dài trong quá trình triển khai nên từ năm 2016 tới nay PAP liên tục không ghi nhận doanh thu mà chỉ phát sinh chi phí dẫn tới lỗ.
Dù vậy, những năm 2020 trở về trước, Cảng Phước An thường xuyên lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ doanh thu tài chính có được nhờ hai đợt tăng vốn điều lệ từ 440 lên 900 tỷ đồng và lên 1.100 tỷ đồng các năm 2016, 2017 chưa giải ngân hết được gửi tiết kiệm. Cổ tức là khoản tiền nhận về từ việc đầu tư vào công ty con là CTCP BOT Đường vào cảng Phước An (PARBOT).
Tuy vậy, tháng 1/2020 PARBOT đã giải thể công ty, số tiền đầu tư gần 173 tỷ đồng đã được chuyển trả lại công ty.
HOÀNG LÊ