Ông Dũng “Lò Vôi” cùng vợ được biết đến nhiều qua vụ “thần y” Võ Hoàng Yên. Tuy nhiên, ít người biết ông đã bỏ ra rất nhiều tiền làm việc thiện.
Khác với người vợ là bà Nguyễn Phương Hằng quý phái, sang trọng, ông Dũng “Lò Vôi” có vẻ ngoài dung dị, hơi chút lùi xùi. Ông ăn uống xuề xoà, trò chuyện với bất kỳ ai nhưng rất kiệm lời về chuyện làm việc thiện ngàn tỉ của bản thân, dù ông đang là Chủ tịch Quỹ từ thiện Hằng Hữu – chữ ghép tên vợ và con trai út.
- Thưa ông, vì sao ông đổi tên từ Huỳnh Phi Dũng thành Huỳnh Uy Dũng? Chữ Uy ở đây có nghĩa là gì?
+ Ở Đại Nam có hai câu: “Uy giữa tuỳ tâm an xã tắc/ Dũng trong bi trí vững sơn hà”. Uy ở đây là chữ thần uy, nghiêm nghị. Như Đức Phật, từ bi không có nghĩa là cái gì cũng bỏ qua, ai làm sao nói sao cũng được. Phải có uy, có thần, có đầy đủ phẩm chất, phương tiện để trừng trị cái ác. Đó cũng là hành thiện.
- Giờ đã là một đại gia lớn nhất nhì trong nước nhưng người ta vẫn quen gọi ông là “ông Dũng lò vôi”. Ông có khó chịu không?
+ Không, chỉ là cái tên người đời gọi thôi mà. Những năm của thập kỷ 80 thế kỷ trước tôi làm vôi quét tường, vôi công nghiệp. Sau này thấy vôi có thể pha chế thay xi măng trong xây dựng (vì xi măng lúc này rất thiếu) nên tôi đắp lò nung vôi. Chết tên Dũng “lò vôi” từ đó.* Giờ đã là một đại gia lớn nhất nhì trong nước nhưng người ta vẫn quen gọi ông là “ông Dũng lò vôi”. Ông có khó chịu không?
+ Là người giàu có và được quý trọng, yêu mến vì đã lập Quỹ từ thiện Hằng Hữu hàng ngàn tỉ đồng cứu giúp những mảnh đời khốn khó. Xin ông cho biết về quỹ này?
- Quỹ từ thiện Hằng Hữu ra đời năm 2016. Quỹ có tiền thân là Quỹ thiện nguyện Huỳnh Hằng Hữu với chương trình Trái tim Hằng Hữu, đã tiến hành phẫu thuật tim miễn phí cho hơn 1.000 trẻ em dưới 16 tuổi trên cả nước không may mắc bệnh tim bẩm sinh. Bất cứ trẻ em nào mắc bệnh tim cũng đều được quỹ hỗ trợ.
Thân nhân các em có thể liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm hiểu và được trợ giúp. Quỹ đặt mục tiêu mổ tim cho khoảng 15.000 trẻ không may mắc bệnh tim.
+ Được biết vợ chồng ông bà còn có chương trình Giờ Vàng để cứu giúp những người bị tai nạn giao thông ?
- Tôi chứng kiến cảnh nhiều người không may bị tai nạn giao thông giữa đường trong tình trạng thập tử nhất sinh mà không làm sao cứu giúp. Rồi những người này được nhập viện nhưng không có thân nhân, không ai đóng tiền nên rắc rối về thủ tục cấp cứu.
Tôi thấy xót xa quá. Cận kề giữa lằn ranh sinh tử, sống chết chỉ trong một cái chớp mắt, nhưng chỉ vì thiếu thủ tục đóng tiền mà một sinh mạng phải lìa trần. Bây giờ tai nạn giao thông đã giảm đi nhiều, đó là điều đáng mừng, là cái phước của nhân dân và đất nước mình.
20 năm trước đây mỗi năm cả nước có trên 35 ngàn người chết vì tai nạn giao thông và gấp đôi, gấp ba số đó bị thương tích, tàn tật, mất sức lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Giờ đã giảm đi nhiều nhưng tai nạn giao thông vẫn diễn ra đầy rẫy, mỗi ngày, khắp nơi. Điều đó làm tôi trăn trở và tôi thành lập chương trình này để cứu người bị tai nạn giao thông, lúc ngặt nghèo nhất mà họ cần cứu giúp.
+ Người bị tai nạn giao thông sẽ được giúp như thế nào, thưa ông?
- Chương trình liên kết với ba bệnh viện: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Bình Định và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Bất kỳ ai bị tai nạn giao thông chuyển đến trong tình trạng không thân nhân đều được bệnh viện ứng tiền để nhập việc cấp cứu và chương trình sẽ hoàn trả lại.
+ Chương trình đã cứu được bao nhiêu người với kinh phí là bao nhiêu?
- Cứu người mà tính làm gì… Tôi cũng không biết đâu. Cái này các bệnh viện họ có thống kê đấy.
+ Hình như ông mới trao 6 cây cầu nông thôn ở An Giang?
- À, cái này thì nhiều. Tôi xây nhiều cầu cho bà con nông thôn, không chỉ miền Tây mà còn nhiều vùng nữa. Việc đi lại là chuyện quan trọng. Muốn làm ăn, muốn đi học, đi bệnh viện đều phải có đường sá an toàn. Có đường sá bá tánh mới làm ăn được, đời sống mới cao. Ở quê Bình Định tôi đều hay về làm đường cho bà con, không nhiều nhưng cũng giúp được đi lại thuận lợi.
Tôi cũng xây trường học cho trẻ em, vùng sâu cũng có mà trường chuyên lớn cũng có, ở Bình Dương, Bình Phước, Tân Biên (Kiên Giang)… Nói chung thấy cái gì thiết thân cho bá tánh thì làm.
+ Ngoài quỹ mổ tim cho trẻ em nghèo, thì số tiền vợ chồng ông bà dành cho các chương trình Giờ Vàng, xây cầu, làm đường là bao nhiêu?
- Tôi thật tình cũng không biết. Cứ làm có đồng lời bao nhiêu thì giúp bấy nhiêu thôi, chẳng tính toán gì…
+ Thưa ông, ông phát tâm hành thiện từ khi nào, chắc lúc đó ông đã giàu có rồi?
- Từ nhỏ tôi đã khổ cực. Khổ cực nên mình thấu hiểu và biết chia sẻ với người khi còn trẻ, lúc tuổi thanh niên kìa. Cái tật của tôi là làm được 10 đồng thì đem đi cho năm đồng, còn 5 đồng để tái đầu tư. Cứ vậy đó nên cũng không biết bắt đầu từ khi nào. Từ những năm tám mươi mấy (thập kỷ 80), lúc đó đang là năm khổ cực, khó khăn nhất nhưng tôi đã đi xây trường học cho dân rồi. Khi đó đang làm lò vôi đấy.
Làm việc thiện hình như nó chạy trong máu của tôi vậy, cứ làm, không nghĩ ngợi gì. Có nhiều làm nhiều, có ít làm ít. Làm lụng cực khổ kiếm từng đồng nhưng góp góp lại cho tiền triệu. Làm được mấy chuyện đó tôi vui lắm, an lạc lắm.
+ Ông có quỹ từ thiện lớn, làm việc thiện nhiều. Hình dung về toàn bộ quá trình hành thiện của ông như thế nào?
- Tôi chỉ lủi thủi làm thôi. Tôi không muốn nói về điều này đâu. Làm việc thiện mà kể lể ra là không đúng điều răn của Phật rồi, có tội lắm. Có chuyện ngày nọ một vị vua đi với Đức Phật. Vua hỏi Ngài rằng: Tôi làm cầu, làm đường, xây chùa chiền…, vậy phước của tôi được bao nhiêu? Đức Phật trả lời: Không có gì cả. Đấy, đã hành thiện mà nghĩ tới nó là sai, là không đúng, là mắc tội. Cho nên báo chí hỏi tôi về các chương trình mình làm, tôi luôn chỉ tới bệnh viện: Ở đó có chương trình vậy, vậy đó, chỉ cho bà con bá tánh biết, ai cần thì tới đó sẽ được giúp đỡ.
Tôi thực ra chỉ giúp được vài người nghèo, khó khăn, nhất là trẻ mắc bệnh tim, vì người có điều kiện họ đã tự lo được rồi, không ai có tiền mà để con cái mình chịu bệnh tật.
+ Làm việc thiện thì “đông tay vỗ nên kêu”. Ông có gọi mọi người cùng chung tay không?
- Không, chỉ vợ chồng tôi thôi. Sau những chuyện lùm xùm vừa rồi (liên quan đến việc vợ ông Dũng tố giác ông Võ Hoàng Yên biển thủ tiền cứu trợ bà con bị bão lũ mở miền Trung - PV) tôi càng thấy mình tự làm là tốt nhất, trúng chỗ nhất. Tôi cũng sẽ tự mình làm chớ không đưa cho ai làm thay và cũng chẳng vận động tiền bạc của ai.
+ Nhưng có câu “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, thưa ông?
- Nhưng cũng có câu “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.
+ Thưa ông, giai đoạn khổ cực nhất trong cuộc đời ông là khi nào?
- Tôi là người trưởng thành từ khổ cực, ngay từ nhỏ. Nhưng đời tôi chưa bao giờ làm gì bị thất bại. Có lẽ mọi việc tôi làm đều xuất phát từ sự chân thành.
Tất cả những việc tôi làm đều là sự mày mò, suy nghĩ và tạo nên chứ tôi không học ai. Cũng không theo vết xe cũ của ai. Luôn luôn nghiên cứu cái mới mà làm. Ngay cả Khu du lịch Đại Nam, toàn bộ kiến trúc đồ sộ đó cũng do tôi tự thiết kế, các kiến trúc sư cứ theo đó mà làm.
+ Trước đó ông đã từng làm về xây dựng, kiến trúc hoặc ngành nào đó liên quan chứ?
- Tôi đâu có phải kỹ sư hoá nhưng vẫn nghiên cứu, xử lý nước thải thuộc hạng số 1. Tôi như người chiến sĩ vô danh thầm lặng vậy. Tôi rất thích câu đối mà tôi tự làm, nó như thế này: “Thân hiến sơn hà, chi để họ/ Đời dâng xã tắc, sá dành tên”. Thân hiến cho đời thì cần chi tên tuổi. Cuộc sống của tôi cũng như vậy, âm thầm lặng lẽ, việc ích nước lợi dân là mình làm.
Người ta cứ tưởng có nhiều tiền đi cho là hành thiện. Cái đó chỉ đúng một phần. Quan trọng nhất là hành vi sống. Làm cho mình thành một người tốt là đã góp phần làm cho xã hội tốt, chứ không phải có nhiều tiền cho người ta là hành thiện. Đi đường, thấy cục đã chình ình, dừng xe lại, dọn cục đá đi, đó là hành thiện, là hành động Bồ Tát.
Nhiều người không tin vào nhân quả, không tin kiếp luân hồi. Cứ quan niệm “sống cho đã, cứ hưởng thụ, sống kiếp nào xong kiếp nấy”. Tôi thì tôi tin luật nhân quả. Tôi hay soi rọi lại mình, mỗi ngày mỗi soi rọi, có sai là sửa. Tu tức là sửa mà.
Con người chẳng ai hoàn thiện. Nên cứ phải tu, phải sửa. Trong con người ai cũng có ác tính, có thiện tính. Buông thả thì ác tính nổi lên, tu sửa thì thiện tính làm chủ. Trong con người của một vị thánh nhân vẫn có con quỷ ác tính chực chờ trong đó, chỉ cần ngã mạn là nó trỗi dậy.
Trong tâm thức chúng ta, lúc nào cũng có ma có Phật. Tâm Phật yếu đi thì tâm ma bùng phát. Phật tính dâng lên thì tâm ma lùi xa. Chùa chiền bây giờ không phải nơi nào cũng dạy cho con người thấu đạt lẽ này.
Chùa chiền bây giờ không phải là nơi để người ta chiêm nghiệm lẽ sống, mà là nơi người ta đến cúng tiền và cầu xin. Đó là trục lợi. Tình hình này diễn ra phổ biến. Trục lợi và mặc cả với thánh thần tràn lan thì đúng là thời mạt pháp. Cho nên mỗi người phải biết sửa mình. Ai cũng làm được vậy thì ta có một xã hội tốt đẹp.
+ Xin cảm ơn ông!