Cụ thể, để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 331. Trong đó, lưu ý khẩn trương tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành và đăng ký nội dung trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án này tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Liên quan đến dự án này, cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã có tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Phước, dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành có điểm đầu giao với Quốc lộ 14 hiện hữu tại Km1915-900 thuộc tỉnh Đắk Nông; điểm cuối tại khu vực thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Tổng chiều dài toàn tuyến của dự án là 128,8km, trong đó chiều dài tuyến cao tốc là 126,8km và 2 km tuyến kết nối từ nút giao cuối tuyến với cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Trong tờ trình, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất phân kỳ đầu tư giai đoạn I dự án với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, chiều rộng mặt đường 24,75m, riêng đoạn qua TP. Đồng Xoài, Bình Phước có chiều rộng mặt đường 25,5m. Dù vậy, dự án vẫn thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch với 6 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Theo tính toán của UBND tỉnh Bình Phước, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.540 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 4.640 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 16.608 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 996 tỷ đồng; chi phí dự phòng 2.484 tỷ đồng...
UBND tỉnh Bình Phước đề xuất phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án tối đa là 12.770 tỷ đồng (tương ứng 50% tổng mức đầu tư), trong đó tỉnh Bình Phước bố trí 3.000 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông bố trí 635 tỷ đồng; ngân sách trung ương bố trí 8.770 tỷ đồng.
Với phần vốn còn lại sẽ do nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp (bao gồm cả việc hoàn trả chi phí chuẩn bị dự án theo quy định của Luật Đầu tư PPP), trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 15%, vốn vay chiếm 85% tổng mức đầu tư.
CHÂU HUY