Tiêu dùng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Quý IV kinh tế tăng trưởng chậm và năm 2023 sẽ gặp vô cùng khó khăn

Ngày 12/9, tại Hội nghị giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV và năm 2023.

Theo đó, bộ trưởng cũng lưu ý tăng trưởng kinh tế trong quý III mặc dù dự báo đạt cao, nhưng trên nền tăng trưởng quý III năm 2021 rất thấp (âm 6,17% so với cùng kỳ).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Về tình hình sắp tới, Bộ trưởng cũng cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương nhất là trung tâm công nghiệp của đất nước và ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và du lịch...

Trong khi đó, giá cả hàng hóa thế giới, giá xăng dầu tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khó dự báo; giá dầu tăng cao trong khi là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Về lĩnh vực FDI, Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng, FDI cũng gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá,… trong trung và dài hạn. Chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước.

Với xuất khẩu, khu vực này đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế.

Một thách thức nữa là điểm nghẽn đầu tư công khi tỷ lệ giải ngân tương tự mọi năm, chưa có chuyển biến đáng kể; một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế.

Về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lĩnh vực này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với Nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp.

AN NHIÊN