Tiêu dùng

Bà Trần Tuệ Tri, người cũ của Mekong Capital, làm CEO Pharmacity thay ông Christopher Randy Stroud sau khi Mekong Capital và Tập đoàn SK đầu tư mạnh vào Pharmacity

Theo thông tin từ Deal Street Asia, Pharmacity vừa bổ nhiệm bà Trần Tuệ Tri làm CEO. Trước đó, bà Tri từng là cố vấn cấp cao của Mekong Capital và được quỹ đầu tư này giới thiệu làm Tổng giám đốc của Traphaco, doanh nghiệp mà Mekong Capital là cổ đông lớn.

Được biết, bà Trần Tuệ Tri tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế TP.HCM, thạc sĩ quản trị kinh doanh, chuyên ngành marketing tại Đại học Chicago. Bà từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Masan Consumer, giám đốc Marketing Samsung Việt Nam, phó chủ tịch của Unilever Asia & VietNam, cố vấn cao cấp của Mekong Capital...

Bà Trần Tuệ Tri, người cũ của Mekong Capital được bổ nhiệm làm CEO Pharmacity thay ông Christopher Randy Stroud.

Trước đó vào tháng 8/2022, nhà sáng lập của Pharmacity là Christopher Randy Stroud rút khỏi vai trò lãnh đạo và không còn là đại diện pháp luật của công ty. Thay vào đó là ông Nguyễn Như Nam, giám đốc quản lý đầu tư tại Tập đoàn SK của Hàn Quốc, đơn vị từng tuyên bố rót 100 triệu USD vào Pharmacity.

Trong một diễn biến có liên quan, SK Group đang là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu 14,5% cổ phần của Maroon Bells, công ty mẹ đang sở hữu Pharmacity.

Và tại Maroon Bells người ta thấy có sự xuất hiện của Mekong Capital, ông Chad Ovel, Tổng giám đốc của quỹ đầu tư Mekong Capital sẽ thay thế ông Christopher Randy Stroud ở vị trí đại diện pháp lý công ty Maroon Bells. Lý do mà Christopher Randy Stroud rời khỏi Pharmacity theo đại diện của hãng dược này là vì “sức khỏe”.

Lý do mà Christopher Randy Stroud rời khỏi Pharmacity theo đại diện của hãng dược này là vì sức khỏe.

Với những động thái thay đổi nhân sự cấp cao tại Pharmacity cho thấy chuỗi bán lẻ này đang có một nguồn lực tài chính mạnh và có sự chuyển biến trong thời gian gần nhất.

Được biết, ngoài Pharmacity, SK còn đầu tư vào Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm với tỷ lệ 55%. Hiện tại, Tập đoàn SK điều hành hơn 120 doanh nghiệp trong các ngành năng lượng, dược phẩm - y tế, vật liệu tiên tiến, vận tải và bán dẫn, công nghệ thông tin và truyền thông... Đơn vị này đã đầu tư gần 2 tỷ USD vào Vingroup và Masan.

Về Pharmacity, đơn vị này đặt mục tiêu mở 5.000 cửa hàng, tương ứng mốc doanh thu 1,5 tỷ USD. Hiện Pharmacity đang là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam về quy mô với 1.118 cửa hàng tại thời điểm 30/6/2022, bỏ xa đối thủ Long Châu của FPT Retail là 719 cửa hàng và An Khang của Thế giới di động là 523 nhà thuốc.

MINH TRÍ