Ông lớn Massan muốn nhân rộng mô hình mini mall lên 30.000 điểm

Admin

Mini mall của Masan là một cửa hàng tích hợp nhiều dịch vụ như nhu yếu phẩm -WinMar, dịch vụ tài chính - Techcombank, trà và cà phê - Phúc Long, chăm sóc sức khoẻ - Phano.

Tháng 6/2021, cửa hàng mô hình mini mall đầu tiên của Tập đoàn Masan khai trương tại tòa nhà Udic, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tháng 10/2021 cửa hàng tiếp theo được khai trương tại khu cư dân Cityland, Gò Vấp, TP.HCM.

Tháng 11/2021, cửa hàng mini mall tích hợp VinMart+, Techcombank, Phúc Long, Reddi đã khai trương tại chung cư Thanh Xuân Complex, Hà Nội.

Bằng việc khai trương liên tục các cửa hàng kinh doanh với mô hình mới, Masan khẳng định đó là một phần trong chiến lược xây dựng hệ sinh thái “Point Of Life” phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong một nền tảng.

Trong năm 2022, Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Trong đó, WinCommerce, đơn vị quản lý chuỗi siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+, được kỳ vọng đóng góp doanh thu 38.000-40.000 tỷ đồng. Tương đương mức doanh thu của Masan Consumer, công ty sản xuất hàng tiêu dùng. Còn Masan MEATLife, công ty kinh doanh thịt heo và gà, dự kiến doanh thu 5.000-6.000 tỷ đồng.

Chiến lược

Để đạt được mục tiêu 100.000 tỷ đồng trong năm 2022, theo ban lãnh đạo Masan, chiến lược "Point of Life" – phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu trên một nền tảng từ offline đến online chính là điểm quan trọng nhất. Và Masan đã xác định lấy mô hình "mini mall" để hiện thực hoá chiến lược "Point of Life". Mini mall của Masan hiện giờ là một cửa hàng tích hợp nhiều dịch vụ như nhu yếu phẩm (WinMar), dịch vụ tài chính (Techcombank), trà và cà phê (Phúc Long), chăm sóc sức khoẻ (Phano).

Masan muốn nhân rộng mô hình "mini mall" lên 30.000 cửa hàng trước năm 2025 và bổ sung thêm hai mảnh ghép còn thiếu là nội dung và giải trí. Công ty cũng dự kiến xây dựng mô hình ki-ốt kỹ thuật số tích hợp nhiều tiện ích như thanh toán không dùng tiền mặt, rút và nạp tiền, phân phối sim điện thoại, giới thiệu các chương trình khuyến mãi.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan, cho biết mô hình mini mall được phát triển để đáp ứng đa dạng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng ngay trên cùng một điểm chạm. Mini mall cũng chính là chìa khóa để hợp nhất toàn bộ nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng và mở rộng quy mô nền tảng O2.

Đồng thời, mô hình mini mall sẽ tăng khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiêu dùng từ 25% lên 60 – 80%. Mức doanh thu để đạt điểm hoà vốn tại các "mini mall" giảm từ 20 triệu đồng xuống 14 triệu đồng mỗi ngày.

KingfoodMart hồi cuối tháng 10/2021 cũng khai trương siêu thị thứ 6 của mình và lần đầu giới thiệu mô hình tích hợp giữa KingfoodMart và The Coffee House Now. The Coffee House Now là mô hình kinh doanh mới của The Coffee House, kiểu ki-ốt nhỏ vài mét vuông.

Theo lãnh đạo The Coffee House, chuỗi này hướng tới việc phục vụ thói quen mua sắm và uống cà phê trong thời kỳ bình thường mới đã hình thành sau giai đoạn giãn cách kéo dài. Ki-ốt khi kết hợp với các chuỗi phân phối lớn trên thị trường, nơi có mật độ người tiêu dùng cao, sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm của thương hiệu này theo cách tiện lợi và hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ. Ngoài ra, chuỗi kinh doanh mới có thể đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng nhờ hình thức tự phục vụ.

Ngoài mô hình mini mall, xuất hiện từ cuối năm 2019-2020 và dưới tác động của dịch Covid-19, mô hình hình ki-ốt, xe đẩy bán cà phê, nước uống được nhiều thương hiệu như Highlands Coffee, McDonald’s, Ông Bầu, Otoke Chicken, Vinacafe, Passio... ngày càng mở rộng.

Box:

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng:

Mini mall là một xu hướng lớn của ngành bán lẻ

Mô hình tích hợp dạng mini mall là một xu hướng lớn của ngành bán lẻ nhằm tạo ra thật nhiều điểm bán, thêm những điểm chạm đến khách hàng và giúp khách hàng thuận lợi hơn trong việc mua sắm. Đây là một xu hướng tiềm năng của ngành bởi mức chi phí đầu tư trên 1 điểm bán không quá cao, mã sản phẩm (SKU) được rút gọn nhằm tập trung vào các mặt hàng thiết yếu nhất và cơ bản nhất đồng thời có khả năng linh hoạt tốt. Thậm chí ở nước ngoài có những mô hình dạng Pop-Up Store nghĩa là có thể mở ra thử nghiệm sau đó có thể đóng lại nếu điểm bán không tốt với một mức chi phí tối thiểu. Với những lợi thế như vậy thì đây là một hướng đi tiềm năng của ngành bán lẻ.

Cá nhân tôi cũng đã có trải nghiệm cùng xây dựng thương hiệu Coffee Bike từ những năm 2016 và tín hiệu của thị trường đối với mô hình cà phê ki - ốt hay cà phê xe đẩy, tập trung vào tệp khách hàng take away hay giao đi là rất lớn.

Các mô hình F&B sẽ đi theo 2 hướng, trải nghiệm và tiện lợi. Trải nghiệm là hướng đi tập trung mạnh ở mảng offline, tạo thật nhiều điểm chạm trải nghiệm đến khách hàng khiến khách hàng wow (như Haidilao, Pizza 4Ps). Tiện lợi là mô hình đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi như các mô hình xe đẩy, ki - ốt hay các mô hình quán tập trung bán trên các app giao hàng như Grabfood, Beamin, Shopeefood hay Gojek.

Tường Lam