Tăng quỹ đất để phát triển khu công nghiệp lên đến xấp xỉ 10.000 ha, Tập đoàn Cao su Việt Nam thay đổi định hướng chiến lược

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) đã quyết định thay đổi chiến lược của tập đoàn sang lĩnh vực khu công nghiệp (KCN) cho giai đoạn 2021 - 2025, ngành dự kiến mang doanh thu và lợi nhuận khủng cho tập đoàn.

Cụ thể, thời gian tới, GVR đặt ra kế hoạch tăng doanh số bán đất dành phát triển khu công nghiệp lên đến 2.868 ha tăng 76% so với gian đoạn 2016 - 2020. Tính đến cuối năm 2020, GVR đang quản lý phần diện tích cao su trong nước khoảng 87.000 ha.

Theo kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, GVR cho biết diện tích cho thuê đất KCN dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 5 năm là 17%.

Theo kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, GVR cho biết diện tích cho thuê đất KCN dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 5 năm là 17%, trong khi mảng kinh doanh chủ yếu hiện tại của GVR (kinh doanh mủ cao su) chỉ đạt CAGR 5 năm là 3,6%.

Định hướng chiến lược nói trên được ông Trần Ngọc Thuận chia sẻ với cổ đông tại ĐHCĐ gần đây. Cụ thể, ngoài các hoạt động khai thác bán mủ cao su và chế biến sản xuất sản phẩm gỗ công nghiệp, tập đoàn còn hướng tới đầu tư phát triển khu công nghiệp trên đất cao su.

Trước khi có định hướng chiến lược nêu trên GVR cũng đã đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN như Nam Tân Uyên, Tân Bình, Long Khánh, Bắc Đồng Phú, Dầu Giây, Rạch Bắp,… với tổng diện tích trên 6.000 ha.

Được biết, đây là mảng kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận cho tập đoàn. Theo đó, doanh thu của các đơn vị KCN đạt hơn 1.522 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 821 tỷ đồng, vượt 27% kế hoạch năm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ bình quân khoảng 60%.

Để hiện thực hóa cho chiến lược nêu trên. Trong tương lai, GVR dự kiến đẩy mạnh, triển khai 9 dự án KCN với tổng quỹ đất 3.780 ha, tập trung tại Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Pleiku.

Ngoài ra, một số khu công nghiệp lớn tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu được quy hoạch trên đất cao su của các công ty thành viên GVR cũng đang được quy hoạch, bổ sung vào quy hoạch. Dự kiến GVR sẽ thu tiền đền bù nếu không trực tiếp đầu tư dự án.

Trong đó, KCN Xuân Quế - Sông Nhạn nằm trên địa bàn 2 xã Xuân Quế và Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) có diện tích lớn nhất với khoảng 3.595ha. Tiếp đến là KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp thuộc địa bàn 2 xã Bàu Cạn và Tân Hiệp (huyện Long Thành) có diện tích 2.627ha đã được Chính Phủ đưa vào quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Hay như tại Bà Rịa Vũng Tàu, cuối tháng 3/2021, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đề xuất quy hoạch bổ sung thêm các khu công nghiệp trên phần lớn từ đất trồng cao su của các công ty thành viên gồm Khu công nghiệp Xuyên Mộc diện tích hơn 1.143 ha; Khu công nghiệp Cù Bị (huyện Châu Đức) diện tích 500 ha; Khu đô thị - công nghiệp Xà Bang (Châu Đức) diện tích 2.290 ha.

Xét về chiến lược dài hạn, việc định hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang phát triển hạ tầng KCN nói trên có thể giúp GVR trở thành một trong những nhà phát triển công nghiệp lớn nhất khu vực miền Nam bên cạnh: Becamex, Tín Nghĩa, Sonadezi, hay VSIP...

AN NHIÊN

 

Link nội dung: https://kinhdoanhtieudung.thuonggiaonline.vn/tang-quy-dat-de-phat-trien-khu-cong-nghiep-len-den-xap-xi-10000-ha-tap-doan-cao-su-viet-nam-thay-doi-dinh-huong-chien-luoc-a756.html