Diện mạo quy hoạch chung TPHCM năm 2040, dân số từ 13-14 triệu người

Quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000 - 110.000 ha. Khu nội thành cũ khoảng 14.000 ha.

Đô thị TPHCM sẽ được phát triển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc vừa gửi UBND TPHCM bản Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để trình HĐND thành phố tại kỳ họp sắp tới. Trong đó, dự kiến đến năm 2040, TPHCM có khoảng 13-14 triệu, tăng lên 16 triệu người vào năm 2060 và mục tiêu sẽ là trung tâm tài chính, dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương.

Dự đoán về phân bổ dân cư, khu vực nội thành cũ sẽ có 4,5-5 triệu người; TP Thủ Đức có 1,9 triệu người; khu nội thành phát triển có 2,2-2,9 triệu người; khu ngoại thành khoảng 4,2-5,6 triệu dân (dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người); riêng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người.

Quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000 - 110.000 ha. Trong đó, khu nội thành cũ khoảng 14.000 ha, khu nội thành phát triển khoảng 35.000 ha (bao gồm TP Thủ Đức), và khu ngoại thành 50.000 - 60.000 ha.

Đô thị TPHCM sẽ được phát triển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; định hướng giao thông công cộng, phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp nhiều chức năng khác nhau xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn; hình thành các hạt nhân của trung tâm chính và trung tâm phụ: trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, y tế, văn hóa, nghiên cứu, giáo dục đào tạo...

Tầm nhìn đến năm 2060, TPHCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương.

Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh lần này là toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM với diện tích 2.095 km2 và 28,7 km2 khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Nghiên cứu cũng được lập dựa trên nghiên cứu gián tiếp ranh giới hành chính các tỉnh xung quanh thuộc Vùng TPHCM (Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam) với diện tích 30.404 km2, gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.

Mục tiêu của lần điều chỉnh này nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TPHCM và các tỉnh, thành lân cận; đồng thời, phát triển TP Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao, trở thành thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, động lực tăng trưởng của TP HCM và khu vực.

Trước đó, Thủ tướng đồng ý giao TP HCM lập Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 và tầm nhìn sau đó 20 năm. Đến nay, Sở Quy hoạch và Kiến trúc nhận được ý kiến góp ý của 5/7 đơn vị. Đa số thống nhất với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đang được nghiên cứu. Đồng thời, với các chức năng và nhiệm vụ của mình, các sở ngành đã cung cấp thêm một số thông tin pháp lý, chỉ tiêu quản lý theo các lĩnh vực liên quan.

Hồ sơ Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM sẽ được Sở Quy hoạch và Kiến trúc hoàn thiện và trình UBND thành phố trong tháng 3/2021, để chính quyền thành phố gửi Bộ Xây dựng thẩm định trước khi trình Thủ tướng duyệt.

K.đ

 

Link nội dung: https://kinhdoanhtieudung.thuonggiaonline.vn/dien-mao-quy-hoach-chung-tphcm-nam-2040-dan-so-tu-13-14-trieu-nguoi-a442.html